Gặp Nhau Là Duyên Phận - Chương 38
Tối đó mẹ tôi đòi lại laptop để coi phim, tôi kì kèo mượn thêm một đêm nữa, đổi lại tôi phải đưa điện thoại cho mẹ lên Youtube xem tấu hài. Chủ yếu là gần tới giờ vấn đáp, tôi không muốn bỏ qua hoạt động thường nhật đó.
Gần giờ hoạt động, tôi đưa nhân vật của mình về đứng giữa Thăng Long, nhìn dòng người tấp nập. Hồ hoa sen trung tâm đung đưa trong gió, những cây đào lất phất cánh bay bay.
Lạc Long Quân đứng trước cửa Đền Kim Liên, uy phong lẫm lẫm. Cạnh chân ông là Thủy Tinh u sầu ủ dột đứng đợi mọi người tổ đội vào Long cung để khiêu chiến với mình. Tôi luôn bần thần trước Thăng Long hoa lệ, cứ tự hỏi cảnh sắc này vì sao lại đẹp mê hồn như thế? Hỏi xong tôi cũng tự trả lời vì đó là game. Đúng vậy, đẹp vậy chỉ có thể là game.
Đúng bảy giờ tối, tôi mở giao diện vấn đáp, đập vào mặt tôi là câu hỏi lạ hoắc lạ hươ: “Vua nào có nhiều vợ nhất nhưng không có con?” Đáp án: “Gia Long”,“Minh Mạng”, “Tự Đức”, “Bảo Đại”.
Ầy, cái này cho vô game để làm gì vậy mấy cha nội? Tôi mau lẹ dùng quyền trợ giúp.
– Ai vậy anh?
– Tự Đức.
– Cái này mà anh cũng biết nữa hả?
– Trên báo đăng đầy.
Tôi câm nín. Đời tư của mấy cụ tổ cũng bới móc ra làm gì không biết, thiệt là bó tay.
– 1396.
– Hả?
Tôi còn chưa đọc xong câu hỏi thứ hai anh đã cho tôi đáp án. Tôi chọn xong mới nhìn vào câu hỏi, hóa ra câu hỏi là “Tiền giấy Việt Nam xuất hiện đầu tiên vào năm nào”. Anh nói:
– Hôm nay game mới update hệ thống câu hỏi vấn đáp mới.
Ra là vậy, nên ban nãy nhìn câu đầu tiên tôi chẳng biết mô-tê gì. Sau đó có vài câu tôi chưa cập nhật thông tin, nhưng tôi không cần hỏi anh đã cung cấp toàn bộ đáp án cho tôi. Tuy vấn đáp hôm nay chỉ được hạng hai nhưng tôi cười vô cùng vui vẻ. Chồng tương lai của tôi có thể không hoàn hảo nhưng bao nhiêu đó đã xuất sắc lắm rồi.
Tôi từng mê như điếu đổ đứa bạn học có thể thuộc làu và đọc vanh vách những sự kiện lịch sử nước nhà. Tôi cũng mê lịch sử nước nhà nhưng não tôi là não cá vàng, cứ học dăm hôm là quên sạch.
Xong hoạt động vấn đáp điện thoại của anh cũng gào thét biểu tình đòi chủ sạc pin, thế là cả đội ngũ gồm hai cái laptop và hai chủ nhân của nó đều đình công. Tôi cười nói với anh:
– Thôi nay mình ngủ sớm đi.
Anh nói “Ừ”.
Tôi đem dẹp cái bàn con và cái laptop của anh. Sau đó tôi mang cái laptop của mình trả mẹ để thu hồi điện thoại. Khi trở vào tôi chốt cửa phòng và găm đèn ngủ. Tôi vươn tay định tắt cái đèn sáng thì “tạch” một tiếng cả căn phòng tối om om.
Ầy, lại cúp điện rồi. Quê tôi là vậy đó, những ngày thứ bảy chủ nhật cuối năm phải nói là cúp điện triền miên. Khi cả ngày hoặc cả đêm. Có khi là vài giờ hoặc vài phút, bất kể ngày đêm. Công ty điện lực nói là bảo trì sửa chữa đường dây điện.
Mẹ tôi bên ngoài càu nhàu:
– Mới mở phim chưa coi được tập nào đã cúp điện rồi. Cúp điện gì giờ này vậy không biết, chẳng nghe thông báo gì cả.
Laptop cũ của tôi đã bị hỏng pin nên cứ cúp điện nó cũng tạch theo. Mỗi lần như vậy mẹ tôi thường bực bội cằn nhằn như thế đó. Tôi mở cửa phòng đi ra ngoài, mở đèn flash lục tìm sạc dự phòng và mấy thanh đèn led mini.
– Mẹ bỏ đèn led đâu rồi?
– Trên đầu tủ.
– Sạc dự phòng đâu?
– Trong hộc tủ.
– Sao không để chung một chỗ cho dễ tìm?
– Quên.
Lại là quên, vấn đề này đúng là nan giải mà. Tôi để một bộ đèn led và sạc dự phòng cho mẹ. Mấy cây đèn còn lại tôi mang vào phòng để tìm cục sạc của mình. Vừa vào phòng tôi lập tức đứng hình mất mấy giây. Có ai đoán được tôi đã nhìn thấy gì không? Vũ đang nằm cuộn mình lại, hai tay ôm chặt đầu, toàn thân không ngừng run rẩy. Lại là cái trò gì nữa đây?
Tôi lấy đèn led găm vào cục sạc dự phòng của mình rồi đặt lên bàn, ánh sáng dịu nhẹ lan ra khắp căn phòng. Tôi ngồi lên giường kéo kéo tay Vũ:
– Anh sao vậy?
Anh im lặng, hai tay vẫn gồng cứng ôm lấy đầu. Tôi phải kéo thật mạnh mới khiến anh nằm ngửa ra, anh mở mắt nhìn tôi. Qua ánh sáng mờ nhạt của đèn led tôi thấy trong mắt anh lúc này chỉ còn sự hoang mang tột độ, dường như có cả vết ngân ngấn nước.
Diễn trò gì vậy đại ca? Anh nhìn tôi tầm mười giây thì đưa tay che đi phần trán và mắt của mình, sau đó thì há miệng thở dốc. Hình như không phải diễn trò… Ý nghĩ đầu tiên của tôi là phòng tôi có quỷ hả? Điện vừa mất tôi ra ngoài đôi ba phút anh đã bị quỷ hớp hồn rồi sao? Tôi dáo dác nhìn quanh, chẳng thấy bóng ma nào.
– Anh sao vậy?
– Không sao.
– Thấy quỷ hả?
– Không có.
– Vậy cái tư thế nằm hồi nãy là sao? Đừng nói với em anh sợ bóng tối nha.
Anh im lặng một lúc rất lâu mới trả lời tôi bằng giọng mũi “ừm”.
What? Tôi vừa mới đoán đại đó, vậy cũng trúng được nữa hả? Tôi xì một tiếng khinh thường:
– Anh là đàn ông con trai mà cũng bày đặt sợ bóng tối sao?
Anh im lặng. Tôi tiện tay mở điện thoại ra tra google cụm từ “sợ bóng tối”, đọc lướt qua vài dòng mô tả về biểu hiện của hội chứng sợ bóng tối, tôi có thể xác định được người nằm trước mặt mình đây đúng là một thành viên trong biệt đội đó. Biểu hiện bệnh lý thuộc tuýp nghiêm trọng nữa là đằng khác.
Trang thông tin tôi đang đọc còn viết “Chứng sợ bóng tối chủ yếu xuất hiện ở trẻ nhỏ, do trí tưởng tượng của chúng tự dọa chúng. Còn ở người lớn chỉ một số ít người mắc phải, nguyên nhân thường là bị tổn thương tâm lý nặng lúc còn nhỏ, bệnh càng kéo dài càng có nguy cơ trầm cảm và tâm thần. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cả tính mạng”.
Tôi vừa đọc được cái gì thế kia? Đây là chứng bệnh có thể lấy mạng người sao? Với biểu hiện vừa rồi của anh tôi dám cá chứng bệnh này của anh mới là bệnh nghiêm trọng nhất.
Hình như tôi lại bắt đầu hối hận rồi. Hình như tôi không nên quen anh. Đúng hơn là không nên tin tưởng vào tình yêu thông qua mạng ảo. Dựa vào game online để tìm người tình trong mộng sao, đây chính là kết quả.
Xác xuất để một thanh niên trai tráng hễ mưa là phát bệnh, vừa sợ sinh vật nhỏ, vừa sợ tiếng động lớn, sợ luôn cả bóng tối là bao nhiêu, có lẽ gần bằng không. Vậy mà tôi lên mạng quơ tay một cái, chộp dính ngay sinh vật huyền bí này. Anh từ thiên hà nào xuống vậy?
Anh không phải là người không hoàn hảo mà là người cực kỳ không hoàn hảo. Hình tượng một người đàn ông xuất sắc thuộc lào lịch sử của anh trong tôi vừa mới xây lên đã ngay lập tức bị bóng tối đè cho bẹp dí.
Tôi nghe thấy mình hỏi anh bằng chất giọng đầy uất nghẹn:
– Tại sao lúc trước không chịu nói chuyện này với em?
– Anh không cố ý giấu em, anh nghĩ mình có thể khống chế được bản thân.
“Nhưng có lần nào anh khống chế được đâu” lòng tôi gào lên không thành tiếng.
Nhưng có lẽ lỗi một phần ở tôi nữa, tôi là người quá vô tâm nên từ sớm không nhận ra. Đêm mưa đó khi chuẩn bị ăn cơm, trời sấm sét làm mất điện anh đã ngã từ trên ghế xuống đất. Sau đó, có lần tôi đã tắt đèn khi anh ngủ, anh lập tức tỉnh dậy và hét toáng lên. Nhưng lần nào tôi cũng đều ngộ nhận là anh bị tiếng sét làm giật mình, là mơ thấy ác mộng trong khi ngủ. Đối với tôi điều đó không sao cả.
Tôi ngồi xuống bên cạnh và gỡ tay anh ra khỏi mắt. Anh đưa mắt nhìn tôi, ánh mắt đó chất chứa niềm tuyệt vọng. Khoan, khoan đã, vì sao lại là tuyệt vọng? Tôi nhìn nhầm sao? Không, tôi không nhìn nhầm, đó là sự thật! Anh cứ thế nhìn tôi, không nói lời nào cả.
Không biết qua bao lâu, ánh đèn huỳnh quang bật sáng lên, điện có trở lại. Anh ngước lên nhìn chầm chầm vào bóng đèn chữ U trong phòng tôi. Trước đây trong đêm mưa gió đó, sau khi mất điện và có lại, tôi đã từng nhìn thấy ánh mắt như vậy. Lúc đó tôi không hiểu ánh mắt đó có ý nghĩa gì, giờ thì tôi hiểu rồi, chính là “có ánh sáng thật là tốt”!
Tôi nén tiếng thở dài vươn tay lấy cục sạc và gở đèn led ra. Tôi ngồi dựa lưng vào vách tường, tay mân mê chúng nó.
– Hình như chứng bệnh này không phải như không mà có.
Anh nói “ừ”.
– Không muốn kể em nghe gì sao?
Anh im lặng rất lâu mới chống tay ngồi dậy.
– Anh chỉ bắt đầu sợ tối từ năm mười tuổi.
Anh nói một câu như vậy rồi lại im lặng. Mười tuổi ư? Nếu tôi nhớ không nhầm là năm cha mẹ anh mất. Không để tôi đợi lâu anh đã nói tiếp:
– Thời gian cha mẹ anh mới mất cậu đưa anh và Phong về nhà nuôi. Trong nhà cậu có đứa con gái nhỏ hơn anh năm tuổi là bé Thy. Khi đó cả nhà đang gặp cảnh khó khăn nên cậu phải làm cả ngày lẫn đêm, có khi mấy ngày không về. Cậu giao nhà cho dì vú già quán xuyến. Nhà có ba đứa con nít, đứa mười tuổi, đứa sáu tuổi, đứa năm tuổi, em biết chuyện gì sẽ xảy ra mà. Chúng phá phách như cái chợ. Anh lớn hơn, nên biết cái gì chơi được cái gì nguy hiểm nên hay ngăn cản tụi nó.
– Mà Thy là đứa phá phách nhất nhà, anh nói gì cũng không chịu nghe. Bữa đó con bé chạy chơi trên thang lầu mà cầm theo con dao gọt trái cây, anh đi theo ngăn cản, kêu con bé đừng chơi dao mà nó không chịu. Hai đứa còn đang giằng co thì Phong chạy tới va vào anh, làm anh té xuống đụng vào bé Thy. Anh và con bé cùng nhau lăn xuống thang lầu. Cây dao trong tay con bé xốc vào bụng nó.
– Cũng may ngày hôm đó cậu anh ở nhà, nghe tiếng la cậu chạy ra đưa bé Thy đi cấp cứu. Trước khi đi cậu nhốt anh vào phòng khóa cửa lại rồi kêu bà vú dẫn Phong theo. Sáng hôm sau cậu trở về lôi anh ra đánh. Cậu nói xém chút nữa hại chết bé Thy, cây dao cắt vào bụng chệch một phân là vào ruột. Sau đó ông ấy lại ném anh vào phòng khóa cửa lại rồi ra bệnh viện.
– Mấy ngày đó cậu, Phong và bà vú túc trực ở bệnh viện không ai về nhà để thả anh ra. Tới lúc cô giáo của anh gọi điện cho cậu hỏi vì sao ba ngày rồi anh không đi học, cậu mới nhớ ở nhà mình còn thằng cháu. Cậu chạy về nhà thấy anh ngất xỉu rồi nên đưa anh vô bệnh viện luôn. Từ đó về sau hễ ở trong bóng tối là anh thấy sợ hãi.
Anh càng nói càng thu mình lại.
– Lúc đó anh bị đánh oan sao không giải thích.
– Nếu anh giải thích thì Phong sẽ bị đánh.
– Rồi khi nào hai đứa em đó của anh thích đem anh ra làm trò tiêu khiển?
Tôi nhớ có lần anh nói, anh thường xuyên bị mấy đứa em “giúp anh tắm nước lạnh cả ngày” cho nên bây giờ cứ trời mưa là anh phát sốt.
– Kể từ khi bé Thy xuất viện, nó bắt đầu lên kế hoạch trả thù anh.
– Đợi chút, đợi chút, anh nói con bé trả thù hả, đã chơi ngu còn muốn trả thù hả?
– Lúc đó con bé mới năm tuổi thì biết cái gì. Nó chỉ biết anh là người làm nó té đau, làm nó chảy máu. Con bé được cái rất nghịch ngợm và khôn vặt. Canh lúc anh không để ý gạt cho anh té, hay hất nước từ trên lầu xuống, hất nước từ sau lưng…
– Trong đó có cả nước nóng phải không?
– Ừ.
– Cậu anh không quản lý gì hết sao?
– Cậu ít khi ở nhà lắm.
– Ngoài tạt nước ra con bé còn trò gì nữa không?
– Còn nhiều lắm. Hồi ấy bé Thy và Phong còn tinh ý phát hiện ra anh sợ bóng tối. Cứ tắt đèn là anh la hét sợ hãi nên hai đứa bày trò phá anh. Ban đêm anh đi trên hành lang một mình là hai đứa nó một đứa chạy đi tắt đèn, một đứa mang mặt quỷ mò lại để nhát ma anh. Sau đó nó bật đèn cho anh nhìn thấy mặt nạ quỷ khủng bố của nó, xong rồi lại tắt đèn bỏ chạy.
– Đồ con nít quỷ.
Tôi nghe mà muốn nổi điên.
– Ban đầu anh bị nhát ngoài hành lang còn ráng bò vô phòng để tránh tụi nó. Về sau tụi nó vô nấp sẵn trong phòng anh. Đợi anh vào phòng thì đóng cửa tắt đèn.
– Bà vú không quản lý mấy đứa em của anh sao?
– Bà vú cũng già rồi, nhà ở bên cạnh. Ngày bà sang lo việc nhà, cho mấy đứa nhỏ ăn, tối vú về nhà không ở với bọn anh.
– Vậy anh làm sao đối phó với mấy đứa nhỏ?
– Anh vào phòng mở hết đèn lên, tìm xung quanh coi chúng nó có nấp trong phòng không rồi khóa cửa lại.
– Rồi bao lâu cậu anh phát hiện ra?
– Chắc cả năm sau. Lúc đó anh sốt liên miên học cũng không được gì nên bị cô giáo báo cho cậu. Bữa tối đó cậu về nhà, kêu anh ra hỏi chuyện học hành. Đang nói chuyện thì cúp điện, anh ngã ngang ra xỉu làm cậu phải đưa anh vô bệnh viện.
Đợi một chút, tôi vừa mới nghe lầm sao?
– Anh vừa mới nói lúc đó cúp điện anh ngã ra bất tỉnh sao?
– Ừ.
Hình như tình trạng của anh hồi xưa còn tệ hơn cả bây giờ…
– Sau khi nghe bác sĩ chuẩn đoán tình trạng của anh thì cậu mới về điều tra hai đứa nhỏ, cậu đè hai đứa ra dần cho một trận. Anh cũng phải nghỉ học một năm để điều trị tâm lý. Về sau chúng nó không chơi ác như trước nữa, chỉ có Phong buồn buồn lại hù một tiếng cho anh giật mình chơi.
Chuông báo động trong lòng tôi hò hét, đây là bạo hành gia đình, đây là bạo hành gia đình. Nhưng tôi cho tới hiện tại vẫn là người ngoài, tôi có thể nói gì đây.
– Không phải anh muốn giấu em. Sau những lần điều trị tâm lý anh thấy mình đã ổn rồi. Dạo gần đây đầu óc có chút căng thẳng. Gặp bóng tối cơ thể anh nó lại bắt đầu tự phản ứng.
Tôi im lặng. Một trò đùa để lại chướng ngại tâm lý cho một người tới tận lúc trưởng thành nó phải ám ảnh đến cỡ nào? Tôi cá là anh còn giấu tôi nhiều điều lắm, anh vẫn chưa kể toàn bộ mọi chuyện cho tôi nghe. Nhưng điều đó không quan trọng nữa, anh đã cố gắng quên, tôi không cần thiết khơi gợi lại làm gì.
Tôi cất đèn và sạc, đứng lên giăng mùng. Tôi cũng không đổi đèn sáng sang đèn ngủ nữa. Tôi ném mền và gối cho anh.
– Ngủ sớm đi.
Nói là ngủ sớm nhưng cả hai người chúng tôi đều không ngủ được, cứ nằm trằn trọc.
Tôi nằm nghĩ miên man về mối quan hệ giữa tôi và anh. Tôi nghĩ về cái ngày tôi và anh gặp gỡ trong game, rồi ra ngoài đời thực, rồi xác định quan hệ yêu đương. Vì sao điều đó xảy ra? Tôi nhớ ra rồi. Tôi cũng là một đứa trẻ tổn thương, vì chạy trốn hiện thực mới đâm đầu vào game online.
Nếu tôi nói rằng tôi từng bị trầm cảm và hiện tại trong đầu tôi chưa bao giờ ngừng những suy nghĩ vởn vơ về cái chết. Mọi người liệu có ai tin tưởng tôi không? Đừng ai nói gì cả, tôi chỉ muốn nói tôi từng như thế, tôi biết cảm giác bứt bối như bị nhốt giữa một thế giới đầy tuyệt vọng. Tôi đã và đang cố thoát ra khỏi nó, diễn đàn mạng, game online là liệu pháp của tôi. Rồi tôi cứ thế chạm vào cuộc đời anh.
Đến hôm nay tôi mới nhận ra anh cũng là một người từng bị tổn thương giống như tôi. Không, tổn thương của anh còn sâu sắc hơn cả tôi. Cả một thời tuổi thơ không vui vẻ, anh cần được bù đắp phần tuổi thơ bất hạnh. Mà tôi lại là một cô gái hậu đậu, lười biếng, chán đời, vậy gả cho anh tôi đem được điều gì đến cho anh?
Khi xác nhận quan hệ yêu đương tôi từng tâm niệm yêu là không phải thương hại. Tôi dò đi dò lại lòng mình xem khi đứng trước anh thứ tình cảm tôi dành cho anh đó là gì. Từ hôm qua trở về trước tôi thấy tôi thương anh nhiều hơn. Nhưng hôm nay cán cân giữa thương và thương hại đang cân bằng dần lên. Tôi lại lần nữa phân vân, mối quan hệ này liệu có nên tiếp tục hay không? Tôi có nên chấm dứt nó trước khi làm tổn thương anh nhiều thêm nữa hay không? Tôi không muốn đến với người đàn ông này chỉ vì thương hại.
(Hết chương)